Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Việt Nam:
|
Ảnh minh họa. |
(Quỹ HTND)- Nghị quyết 26- NQ/TƯ của BCH TƯ Đảng đã xác định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH- HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sơ cở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững...”. Ý thức được nhiệm vụ chính trị quan trọng đó, ngành Ngân hàng trong những năm qua đã ưu tiên tập trung đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chủ động triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm góp chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống người nông dân.
Với nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009 – 2014 gần 25%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và chiếm 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nguồn vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp nước ta đóng góp tới 3,49% vào mức tăng chung trong 5,98% GDP của năm 2014. Đồng thời là nguồn lực quan trọng thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hàng triệu hộ nghèo, với số vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo.
Năm 2015, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cần phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ- CP ngày 9.6.2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là hệ thống chính sách đồng bộ với những giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngành ngân hàng cam kết sẽ luôn đồng hành với người nông dân, nhất là đối với những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mở mang sản xuất và giải quyết việc làm tại nông thôn, với các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, gia tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó, cải thiện nâng cao đời sống của cư dân nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.